Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017
Đôi điều về Văn hóa doanh nghiệp
Trong một
buổi hội thảo bàn về văn hóa doanh nghiệp, diễn giả - giáo sư của một trường
đại học nổi tiếng thế giới - nói nền tảng của văn hóa doanh nghiệp chính là các
giá trị cốt lõi (core value) và dựa trên các giá trị cốt lõi đó, những giá trị
mà tổ chức, doanh nghiệp coi là thiêng liêng và cao quý nhất, sẽ hình thành nên
sứ mệnh hay tầm nhìn định hướng của doanh nghiệp. Và ông lấy các ví dụ tầm
nhìn, sứ mệnh của các công ty nổi tiếng thế giới như IBM, Sony, Wal-Mart, Apple,
Walt Disney... làm ví dụ minh họa.
Nghe các ví dụ và phân tích rất hay, có người hỏi ông có thể
giúp doanh nghiệp viết về tầm nhìn và các giá trị nền tảng được hay không. Khi
nghe đến đây, vị giáo sư cười và trả lời rằng ông chỉ có thể cung cấp các ví dụ
và giải thích tại sao họ (các công ty) lại đưa ra các tầm nhìn, sứ mệnh như vậy,
còn việc xác định hay viết ra chúng phải là chính những người lãnh đạo doanh
nghiệp. Ông nói thêm: “Không ai ngoài chính bản thân các bạn biết được mình
muốn điều gì cho doanh nghiệp của mình, đối với bạn điều gì là cao quý nhất, là
thiêng liêng nhất là thứ để bạn sẵn sàng theo đuổi cả sự nghiệp của mình”.
Quả đúng như vậy. Xác định các giá trị nền tảng là việc của
chính các chủ doanh nghiệp, những người sáng lập, những người lãnh đạo công ty.
Không ai khác, chính họ sẽ biết được đích xác họ muốn gì, những giá trị nào là
nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp hay tổ chức. Từ những giá trị nền
tảng này sẽ hình thành nên sứ mệnh hay tầm nhìn định hướng của doanh nghiệp và
những điều này sẽ tạo nên cách ứng xử của nhân viên trong công ty với khách hàng,
với cộng đồng và cả với đồng nghiệp.
Và khi mọi việc đã trở thành thói quen, thành cách hành xử chung
thì cũng là lúc văn hóa doanh nghiệp được hình thành. Văn hóa là một khái niệm
trừu tượng, khó có thể xác định được cụ thể nó là gì, chúng ta chỉ xác định
được nó qua hành vi, cách thể hiện, cách suy nghĩ và hành động. Chính vì thế
nếu các giá trị nền tảng không phải xuất phát từ chính “tâm” của chúng ta, cách
thể hiện sẽ rất khó trùng với những gì chúng ta tuyên bố.
Lần nọ, có người nhờ tôi xem và viết giùm các giá trị và sứ mệnh
cho công ty anh ấy. Tôi trả lời mình không thể làm thay, chính bản thân anh và
các lãnh đạo cao nhất công ty phải tự xác định đâu là các giá trị nền tảng mà
các thành viên công ty phải tự nguyện tuân thủ, không được phá vỡ, nếu ai phá
vỡ người đó sẽ bị đào thải. Sau này người đó mới thú thật: sau khi đọc tầm nhìn
và sứ mệnh do anh biên soạn, sếp không hài lòng nên anh phải tìm người viết
giúp. Cách làm như vậy là chưa đúng.
Có thể bản thân lãnh đạo không có nhiều thời gian để trau chuốt
câu chữ, viết sao đọc nghe thấy hay, lay động lòng người (việc này có thể giao
lại người khác), nhưng ngay từ đầu những gì mà công ty coi là thiêng liêng
nhất, cao quý nhất thì phải do chính những người cao nhất trong công ty tự “mổ
xẻ bản thân” và viết ra. Rồi sứ mệnh cũng vậy, chỉ có những người chủ doanh
nghiệp, những người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp mới biết chính xác mình
muốn gì, doanh nghiệp sẽ như thế nào sau 10, 20 hay 50 năm và lâu hơn nữa. Có
thể những ý này chưa được trau truốt, chỉ ở dạng gạch đầu dòng, nhưng bắt buộc
phải có. Sau đó có thể nhờ người “chấp bút” viết ra những câu ngắn súc tích, dễ
nhớ.
Những lời văn vẻ đó bắt buộc phải dựa vào những ý được viết ra
của chủ doanh nghiệp chứ người “chấp bút” không thể tự sáng tác 100%, nếu có
thì đó là sự sao chép của một ai đó hay là ý nghĩ chủ quan của người “chấp
bút”. Nếu không xuất phát từ chính những người chủ, người sáng lập công ty thì
sẽ không thể có một Walt Disney cả cuộc đời theo đuổi những gì mang lại hạnh
phúc cho mọi người, sẽ không có chuỗi siêu thị Wal-Mart với mức giá rẻ nhất
dành cho tất cả, không có những sản phẩm iPod, iPhone đầy tính sáng tạo, khác
hẳn những sản phẩm cùng loại trước đây…
Và chính những điều này sẽ hình thành nên văn hóa của công ty
đó, quy định hành xử trong công ty cho nhân viên. Chúng ta có thể tham khảo,
nghiên cứu tầm nhìn hay văn hóa của các công ty khác nhưng không thể sao chép
chúng, vì khi sao chép chúng ta không còn là chính mình và rồi sẽ đến lúc cái
cốt lõi, cái nền tảng của chính chúng ta sẽ đối chọi lại với những gì đã sao
chép. Đơn giản là vì nó không phải là chính ta.
Có thể thấy điều này trong cuộc sống cá nhân, hàng ngày chúng ta
có thể ăn thức ăn nhanh thay cho ăn cơm truyền thống, đi làm giao tiếp toàn
bằng tiếng Anh, tiếp xúc các công nghệ kỹ thuật cao, sống và ăn mặc như người
phương Tây, nhưng đến ngày 30 Tết, chắc có lẽ ai cũng muốn về xum họp với ông
bà, cha mẹ, anh chị em vì trong sâu thẳm chúng ta vẫn là người châu Á, vẫn là
người Việt Nam, nơi mà các giá trị gia đình luôn được đặt ở một vị trí thiêng
liêng nhất.
Trong doanh nghiệp, mọi việc còn khó khăn hơn, nếu chúng ta “sao
chép” văn hóa của người khác, tuyên bố những gì không phải của mình sẽ rất dễ
đánh mất niềm tin nơi khách hàng hay gần nhất là chính nhân viên trong công ty
cũng cảm thấy không tự tin với những gì tuyên bố. Vì thế hãy tự “mổ xẻ” bản
thân mình, hãy viết ra những gì trong sâu thẳm, nói ra những mong muốn thực sự
và hành động đúng theo những gì mình tuyên bố. Chỉ có như vậy chúng ta mới có
được một nét văn hóa riêng cho chính doanh nghiệp của mình, và văn hóa đó mới
tồn tại mãi theo thời gian, góp phần giúp cho công ty phát triển bền vững.
Theo TBKTSG
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét